Những nhà lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới

Manmohan Singh, nu hoang anh, Raul Castro, Silvio Berlusconi – Họ đều đã ở tuổi trên dưới 80 nhưng sức khỏe còn rất tốt và đầu óc cực minh mẫn. Tạp chí TIME điểm danh 10 nhà lãnh đạo cao tuổi nhất trên thế giới hiện nay:

    Silvio Berlusconi

    Silvio Berlusconi năm nay 74 tuổi, có tổng thời gian nắm giữ vị trí Thủ tướng Italy là 8 năm.

    Berlusconi là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong số các nguyên thủ châu Âu. Từng là một thương gia và là trùm truyền thông, ông nắm giữ vị trí Thủ tướng Italy trong ba lần riêng rẽ kể từ năm 1994 và được xếp thứ 51 trong bảng danh sách giàu nhất thế giới năm 2010 của Forbes, với tài sản ước tính 11,8 tỷ USD.

    Berlusconi hiện là nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất ở bất kỳ một quốc gia G8 nào và sự nghiệp chính trị của ông gần như không lúc nào không dính đến bê bối. Các cáo buộc nhằm vào ông có mọi loại, từ dính dáng với mafia, định kiến chống Hồi giáo tới quan hệ bất chính với các bé gái vị thành niên. Tuy nhiên, nhiều người dân Italy vẫn ủng hộ Berlusconi, dẫn tới tuyên bố của ông hồi năm ngoái: “Dân chúng cần tôi theo cách của tôi. Người Italy cần tôi”.

    Than Shwe

    Than Shwe, 77 tuổi, hiện là Chủ tịch Hồi đồng Hòa bình và Phát triển Myanma. Ông đã nắm giữ quyền lực 18 năm.

    Than Shwe từng là một nhân viên bưu điện trước khi nhập ngũ năm 1953. Sau khi quân đội lên nắm quyền ở Myanma 9 năm trước, ông bắt đầu nắm giữ nhiều chức vụ cao. Vào năm 1992, ông thay thế Saw Maung và đảm nhận ghế Thủ tướng kể từ đó đến nay.

    Manmohan Singh

    Ở tuổi 78, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vẫn rất khỏe mạnh và đã nắm giữ quyền lực 6 năm. Singh từng theo học trường Đại học Punjab và Đại học Cambridge ở Anh. Sau đó, ông lấy bằng tiến sĩ về kinh tế ở trường Đại học Oxford. Ông là người theo đạo Sikh đầu tiên trở thành Thủ tướng Ấn Độ.

    Tạp chí TIME đã liệt Singh vào danh sách 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, còn Newsweek chọn ông vào top 10 nhà lãnh đạo được tôn kính, gọi ông là “nhà lãnh đạo được các lãnh đạo khác yêu mến”. Khi lên nắm quyền vào năm 2004, Singh đã thúc đẩy tự do, tư nhân hóa một số lĩnh vực do nhà nước quản lý và khuyến khích đầu tư nước ngoài – những chính sách cải cách giúp nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng. Ông cũng thực thi pháp chế giúp cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu người ở các vùng nông thôn nghèo khó.

    Trong cuộc bầu cử năm ngoái, đảng cầm quyền của ông tiếp tục nắm giữ quyền lực nhờ sự ủng hộ của đa số cử tri. Tuy nhiên, những người chỉ trích Singh cho rằng ông quá thân thiết với Washington và quá phụ thuộc vào vương triều Nehru-Gandhi của Đảng Quốc đại.

    Mwai Kibaki

    Tổng thống Kenya Mwai Kibaki, 78 tuổi, có 7 năm nắm giữ quyền lực. Ông từng học trường Đại học Makerere ở Uganda trước khi nhận được học bổng của trường Kinh tế London, nơi ông đứng đầu lớp. Kibaki rất năng nổ trong cuộc đấu tranh giành độc lập khỏi Anh của người Kenya trước khi đất nước này độc lập vào năm 1963. Năm 1974, TIME xếp ông vào danh sách 100 nhân vật có khả năng làm lãnh đạo.

    Khi đắc cử chức Tổng thống năm 2002 trong một chiến thắng vang dội, Kibaki cam kết sẽ chấm dứt nạn tham nhũng trong chính phủ vốn đã hủy hoại nền kinh tế Kenya. Tuy nhiên, sau chiến thắng sít sao của ông trong cuộc bầu cửa năm 2007, Kibaki bị cáo buộc gian lận và các cuộc biểu tình làm bùng nổ làn sóng bạo lực rộng khắp giữa nhiều nhóm sắc tộc Kenya. Vài tháng sau khi bầu cử, Kibaki và Raila Odinga, lãnh đạo phe đối lập, ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, cho phép Odinga nắm giữ vị trí Thủ tướng.

    Raul Castro

    Ở tuổi 79, Raul Castro giữ vị trí Chủ tịch Cuba được 4 năm. Ông đảm nhận các nhiệm vụ của một vị Quyền Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba khi người anh trai, Fidel Castro, phải nhập viện vì một căn bệnh liên quan tới dạ dày. Trong năm 2008, sau khi Fidel thông báo ông chưa sẵn sàng ra tái cử, Raul đã được bầu làm Chủ tịch Cuba. Ông Raul và phu nhân Vilma Espin Guillois, người đã qua đời năm 2007, là các nhân vật chủ chốt trong cuộc đấu tranh vũ trang năm 1959 lật đổ chính phủ thân Mỹ và thiết lập chế độ cộng sản do Fidel Castro lãnh đạo ở Cuba.

    Trong vài tháng cầm quyền đầu tiên, ông Raul đã thực thi nhiều chương trình cải cách và nhiều người hy vọng ông sẽ tiêp tục áp dụng nhiều chính sách tự do kinh tế hơn nữa.

    Hosni Mubarak

    Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm nay 81 tuổi, cầm quyền được 28 năm. Ông lên nắm giữ vị trí lãnh đạo sau khi người tiền nhiệm Sadat bị ám sát bởi các sĩ quan quân đội phản đối việc ông ký Hiệp ước Hòa bình Ai Cập – Israel.

    Mubarak lên cầm quyền theo luật Tình trạng Khẩn cấp kể từ đó. Điều này có nghĩa là chính phủ có quyền bỏ tù bất cứ ai mà không cần xét xử, tịch thu quỹ của phe đối lập và hủy bầu cử quốc hội. Cương vị lãnh đạo của Mubarak được ghi dấu ấn bởi sự cải thiện quan hệ với các quốc gia Ảrập khác và việc thiết lập các mối quan hệ dân sự với Israel. Ông ủng hộ yêu cầu của Ảrập Xêút nhờ Mỹ can thiệp giúp Kuwait tự do sau cuộc xâm lược của Iraq năm 1990-91 và từ lâu đã nhận viện trợ về tài chính cũng như quân sự từ Washington.

    Mubarak đã thoát khỏi 6 âm mưu ám sát.

    Abdoulaye Wade

    Abdoulaye Wade, 84 tuổi, đã giữ chức Tổng thống Senegal được 10 năm. Wade phải chờ đợi một thời gian dài mới lên được vị trí này, chạy đua vào ghế Tổng thống 4 lần, bắt đầu từ năm 1978. Sau nỗ lực bất thành lần thứ 4 năm 1993, Wade bị bắt và bị buộc tội có liên quan tới vụ sát hại Babacar Sèye, phó Chủ tịch thứ nhất của Tòa án Hiến pháp. Năm tiếp theo, ông bị bắt và bị cáo buộc xúi giục bạo loạn trong một cuộc biểu tình phản đối chính phủ; cả hai tội danh sau đó được hủy bỏ.

    Cuối cùng, Wade cũng trúng cử vào năm 2000 và ông là người đầu tiên chiến thắng trước đảng Xã hội cầm quyền kể từ khi Senegal độc lập năm 1960. Trước khi bước vào chính trường, Wake từng du học ở Pháp, lấy bằng tiến sĩ luật và kinh tế của trường Đại học Sorbonne.

    Nữ hoàng Anh Elizabeth

    Ở tuổi 84, Nữ hoàng Elizabeth II đã tại vị 58 năm và nhiều khả năng sẽ vượt qua kỷ lục nắm giữ ngai vàng 63 năm 7 tháng của Nữ hoàng Victoria.

    Trong thời gian trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã chứng kiến những thay đổi lớn lao. Trong khoảng thời 1956-1992, một nửa các khu thuộc địa dưới quyền bà trở thành các nền cộng hòa động lập. Bà đã chỉ đạo một công cuộc hiện đại hóa chế độ quân chủ, cho phép phát sóng truyền hình đời sống nội bộ Hoàng gia năm 1970 và năm 1978.

    Nữ hoàng Elizabeth II là một quân vương điềm tĩnh và quyết đoán. Câu nói được bà yêu thích là “video et taceo” (Tôi quan sát và tôi im lặng). Chính phẩm hạnh này đã nhiều lần cứu nữ hoàng khỏi bị trói buộc vào những liên minh sai lầm trong chính trị và hôn nhân.

    Robert Mugabe

    Robert Mugabe, 86 tuổi, đã nắm giữ chức Tổng thống Zimbabwe được 30 năm. Là con trai một người thợ mộc thôn quê, Mugabe là một trong những người thường xuyên xuất hiện trên các bản tin quốc tế ban đêm.

    Trong thời kỳ nội chiến, Mugabe là một lãnh đạo của Mặt trận yêu nước, nhóm phản đối sự phân biệt đối xử của chính phủ da trắng. Vào cuối cuộc chiến, đảng ZANU-PF của ông Mugabe giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 2/1980 nhưng thời gian cầm quyền của ông in dấu đầy tai tiếng. Đói nghèo và thất nghiệp đã khiến dân chúng quay sang ủng hộ Morgan Tsvangirai và đảng đối lập, Phong trào Thay đổi Dân chủ. Đến cuối năm 2008, Tsvangirai đã đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Mugabe.

    Abdullah bin Abd al-Aziz al-Saud

    Quốc vương Ảrập Xêút Abdullah bin Abd al-Aziz al-Saud năm nay 86 tuổi, tại vị được 12 năm trước khi chính thức trở thành người đứng đầu vương quốc Trung Đông này hồi tháng 8/2005. Quốc vương có 4 vợ, 7 con trai và 15 con gái. Ông còn kiêm chức Thủ tướng và Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ quốc gia Ảrập Xêút.

    Abdullah đứng đầu một trong những quốc gia nhiều giàu mỏ nhất thế giới và có quan hệ chặt chẽ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhưng cùng với nhiều lãnh đạo Ảrập khác, Abdullah không ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq.